19/12/2022 09:19:16

Tăng trưởng kinh tế Vĩnh Long năm 2022 qua số liệu thống kê

     Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Vĩnh Long diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn thách thức.Dịch bệnh Covid-19 tuy được kiểm soát tốt; nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã kịp thời ổn định tổ chức trở lại và tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ những tháng đầu năm,.., bên cạnh đó tình hình chính trị của các nước trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp do xung đột giữa Nga – Ucraine xảy ra, áp lực lạm phát gia tăng và chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển làm cho kinh tế thế giới bị suy giảm; tình hình thiên tai, dịch bệnh, sạt lở, lốc xoáy diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2022,tỉnh Vĩnh Long đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo điều hành sâu sát của UBND tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp nên kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

     Năm 2022 kinh tế  tỉnh Vĩnh Long  có tốc độ tăng trưởng vượt bậc 11,28% so với năm 2021; trong đó: Khu vực Nông, Lâm, Thủy sản tăng 2,01%; Khu vực Công nghiệp, Xây dựng tăng 23,34%; Khu vực  Dịch vụ tăng 15,82%. Đây là năm Vĩnh Long có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với 2 con số.

     Nếu so với khu vực 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP  của tỉnh Vĩnh Long đứng ở vị trí thứ 3 và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

     GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 69 triệu đồng, tăng 9,1 triệu đồng so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng kinh tế phi nông, lâm thủy sản đạt 61,2%. Nổi bậc qua một số lĩnh vực đó là:

      Nông nghiệp, Thủy sản:Trong Lĩnh vực trồng trọt mặc dù trong năm 2022 còn gặp nhiều khó khăn; chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ hàng nông sản không ổn định,…, sản lượng lúa cả năm giảm 17,1% (lúa đông xuân giảm 3,12%; lúa hè thu giảm 9,85%; lúa thu đông giảm 44,92%); khoai lang giảm 87,44%; cây hàng năm khác (rau, đậu…) tăng dưới 3,5%.Bên cạnh đó sản lượng một số cây ăn trái chủ lực của tỉnh có mức tăng khá cao như: Cam tăng 26,3%, mít tăng 25,7%, quýt tăng 3,6%, chuối tăng 13,62%, thanh long tăng 6,8%, ổi tăng 6%, sầu riêng tăng 2,4%…Lĩnh vực chăn nuôi:Chăn nuôi bò vẫn duy trì ổn  định có mức tăng 0,22%;  chăn nuôi gia cầm phát triển khá, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 6,4%.Góp phần làm cho giá trị sản xuất của ngành nông,  thủy sản năm 2022 tăng 2,16%;

     Công nghiệp và Xây dựng: Ngành công nghiệp và xây dựng đã phục hồi và có sự phát triển mạnh mẽ khá ấn tượng do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp và xây dựng trong năm 2022 có mức tăng 23,29% (công nghiệp tăng 25,17%, xây dựng tăng 16,18%). Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 85,36%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 25,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 12,36%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,97%.

     Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng khá cao so cùng kỳ là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 19,3%; sản xuất đồ uống tăng 33,2%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 28%; dệt tăng 33,48%; sản xuất trang phục tăng 68,12%; sản xuất giầy da và các sản phẩm có liên quan tăng 26,2%; chế biến gỗ và  sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, rơm rạ,..tăng 37,29%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 29,12%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 33,14%,…

     Sản lượng sản phẩm sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao so với năm 2021 là: Bia đóng lon  tăng 51,6%; Áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 85,8%; Áo phông (T-shirt), áo may ô và các loại áo lót khác cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 50,8%; Bộ quần áo trượt tuyết  tăng 59,6%; Giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic tăng 32,1%....

     Khu vực Dịch vụ: Các hoạt động kinh tế được khôi phục trở lại ngay từ đầu năm nên khu vực dịch vụ tăng mạnh trên nền giảm sâu của năm trước: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 14,62%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 43,39%; thông tin và truyền thông tăng 29,73% (trong đó: Hoạt động phát thanh, truyền hình tăng 50,16%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,23%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 28,43%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 13,73%; hoạt động dịch vụ khác tăng 12,87%...Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 ước đạt 70.224 tỷ đồng, tăng 28,45%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 793 triệu USD, tăng 38% so năm 2021; hoạt động du lịch được phục hồi do dịch bệnh được kiểm soát tốt, tổng doanh thu tăng cao so cùng kỳ,thu ngân sách vượt 3,4% dự toán năm; vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 16.218 tỷ đồng tăng 10,52% so cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%.

     Kết quả này đã và đang tạo động lực, niềm tin trong nhân dân, công đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.

THỐNG KÊ

Lượt truy cập: 114463