01/02/2024 15:03:59

Tình hình biến động giá tiêu dùng tháng 01 năm 2024

     Trong tháng là thời điểm có Tết dương lịch và cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nên nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng tăng mạnh so với tháng trước. Nhìn chung, tình hình cung cầu hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; hàng hóa sản xuất trong nước chiếm thị phần khá lớn trên thị trường, các mặt hàng đa dạng và phong phú về chủng loại, mẫu mã, giá cả phần lớn hàng tiêu dùng thiết yếu đến thời điểm này tương đối ổn định; các doanh nghiệp, siêu thị thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như tặng quà, giảm giá bán hoặc tặng hàng hóa kèm theo sản phẩm,... nguồn cung hàng hóa dồi dào phục vụ thị trường vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

     Qua điều tra, nắm tình hình thực tế tại địa phương đến thời điểm hiện nay sức mua của người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng tăng cao, lượng cung hàng hóa đảm bảo. Tuy nhiên do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, diễn biến cung cầu của thị trường nên một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, đồ dùng gia đình, dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình,… giá cả có xu hướng tăng góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2024 tăng 0,59% (thành thị tăng 1,31%, nông thôn tăng 0,35%) so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước tăng 1,76%; so với kỳ gốc năm 2019 tăng 10,95%.

     Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,46%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,53%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 2,12%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; Giao thông tăng 0,38%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,21%. Các nhóm hàng hóa tiêu dùng còn lại như: Thuốc và dịch vụ y tế; Bưu chính viễn thông; Giáo dục; Văn hóa, giải trí và du lịch giá cả ổn định so với tháng trước.

     Chỉ số giá CPI tháng 01/2024 tăng chủ yếu là do nguyên nhân sau:

     - Các mặt hàng gạo, nếp giá bán tăng nhẹ từ 1-2% so với tháng trước, tác động trực tiếp làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,61%, đóng góp vào CPI chung tăng khoảng 0,07%;

     - Đa số các mặt hàng thủy hải sản tươi sống giá bán tăng phổ biến từ 1-5% so với tháng trước; đóng góp vào CPI tăng chung 0,01%;

     - Một số mặt hàng rau cải, trái cây giá bán đều có xu hướng tăng phổ biến từ 2-7% so với tháng trước.

     - Các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng giá trong 03 kỳ điều hành giá gần đây, tính chung xăng A95 tăng 156 đ/lít, xăng E5 tăng 156 đ/lít, dầu diezel tăng 273 đ/lít.

     - Do tác động nhu cầu tiêu dùng tăng, tình hình cung cầu của thị trường thế giới nên kéo theo các mặt hàng nhiên liệu thiết yếu khác tăng giá như: gas tăng phổ biến từ 5.000 - 6.000 đ/bình (12 kg); điện sinh hoạt động 49 đ/kwh.

     - Nhu cầu tăng, chi phí đầu vào tăng, đơn vị bình ổn giá đã lâu, thời điểm cận Tết Nguyên đán nên một số cơ sở kinh doanh doanh dịch vụ cho thuê nhà ở theo tháng đã tăng giá từ 2-6% so với tháng trước.

                    CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 01 CÁC NĂM GẦN ĐÂY

                                                                                                                                          Đơn vị tính:%

 

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

CPI tháng 01 năm báo cáo so với tháng trước

0,26

1,25

-0,01

1,17

-0,1

0,19

0,57

0,59

CPI tháng 01 năm báo cáo so với cùng tháng năm trước

4,39

4,31

2,72

6,84

-1,37

2,63

3,58

1,76

THỐNG KÊ

Lượt truy cập: 123807